Chuyện gì xảy ra khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ?

Chuyện gì xảy ra khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ?

Chuyện gì xảy ra khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ?

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chuyển quyền lực cho cấp phó sau khi bị đình chỉ chức vụ và chờ phán quyết tiếp theo từ Tòa Hiến pháp.

Tòa Hiến pháp Thái Lan hôm 22/8 nhận đơn kiến nghị được ký bởi 171 nghị sĩ đối lập, cho rằng nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bắt đầu từ tháng 8/2014, khi ông lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự. Hiến pháp năm 2017 của Thái Lan cấm thủ tướng tại vị hơn 8 năm.

5 trong số 9 thẩm phán tòa hiến pháp ngày 24/8 nhất trí Thủ tướng Prayuth nên bị đình chỉ chức vụ trong lúc xem xét vấn đề nhưng không ấn định thời gian ra phán quyết. Tòa cho ông Prayuth thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận bản sao hồ sơ vụ kiện để phản hồi, nêu lý do tại sao ông nên được tiếp tục tại nhiệm.

Tòa án còn xem xét hai khả năng khác là nhiệm kỳ của ông Prayuth bắt đầu từ năm 2017 hoặc năm 2019, sau cuộc tổng tuyển cử. Nếu tòa án kết luận theo hướng này, ông có thể tiếp tục tại nhiệm và nắm quyền đến năm 2025 hoặc 2027, tùy theo kết quả cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Văn phòng Thủ tướng Prayuth phát thông báo cho biết ông tôn trọng quyết định từ tòa án. Quyết định từ tòa “sẽ không ảnh hưởng đến chính phủ quốc gia, công việc của các công chức hay những chính sách hiện hành”, thông báo có đoạn.

Trong khi bị đình chỉ chức vụ thủ tướng, ông Prayuth vẫn tiếp tục giữ chức bộ trưởng quốc phòng.

Chuyện gì xảy ra khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ?
Chuyện gì xảy ra khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ?

Sóng gió với ông Prayuth

Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014, trong bối cảnh tình trạng bất ổn dân sự, biểu tình bạo lực đã kéo dài nửa năm tại quốc gia này.

Không lâu sau, ông Prayuth cấm mọi hoạt động vận động chính trị, như cấm tụ họp chính trị trên 5 người. Theo CNN, trong thời gian ông tại nhiệm, hàng trăm nhà hoạt động đã bị bắt với các cáo buộc như xúi giục nổi loạn hay nói xấu hoàng gia.

Năm 2020, giới trẻ ở Thái Lan xuống đường biểu tình, kêu gọi ông Prayuth từ chức. Phong trào biểu tình bắt nguồn từ việc chính phủ không thực hiện lời hứa khôi phục dân chủ và điều được các nhà hoạt động mô tả là “trấn áp quyền dân sự và tự do”.

Những lời kêu gọi càng mạnh hơn khi chính quyền quân sự Thái Lan bị cáo buộc quản lý yếu kém nền kinh tế và đại dịch Covid-19, thiếu minh bạch và trách nhiệm.

Trong khi đó, Vua Maha Vajiralongkorn, lên ngôi năm 2016 và đăng quang tháng 5/2019, được cho là dành phần lớn thời gian ở nước ngoài, ít khi xuất hiện tại Thái Lan khi nước này chật vật ứng phó đại dịch. Tài sản của hoàng gia Thái Lan được chuyển quyền kiểm soát cho Vua Maha, nâng tài sản cá nhân của ông lên 30-40 tỷ USD, càng khiến công chúng thêm chú ý.

Sự bất mãn với chính quyền quân sự và chế độ quân chủ ở Thái Lan kéo dài sang năm 2021. Ông Prayuth ngày càng không được cử tri ủng hộ. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi muốn ông rời chức vụ ngay lập tức.

Ông Prayuth hồi tháng 7 vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ tư kể từ khi được Hạ viện chọn là thủ tướng năm 2019, sau cuộc tổng tuyển cử được phe đối lập mô tả là diễn ra theo các quy định giúp ông giữ quyền lực. Ông Prayuth bác bỏ cáo buộc này.

Với việc vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm trên, ông Prayuth lẽ ra có thể tại vị đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nhưng phe chỉ trích cho rằng ông nên rời đi.

“Đã có những yếu kém trong quản lý kinh tế, chính trị còn phân cực. Trong hơn 8 năm ông ấy là thủ tướng, Thái Lan không phát triển tốt”, Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói.

Trong khi đó, những người ủng hộ Thủ tướng Prayuth ca ngợi ông giúp khôi phục trật tự xã hội, mô tả ông là người bảo vệ chế độ quân chủ. Phe này lập luận nhiệm kỳ của ông Prayuth nên được tính từ khi ông là thủ tướng của chính quyền dân sự, tức là từ tháng 6/2019, sau cuộc tổng tuyển cử.

Họ cũng nhấn mạnh ông Prayuth cần được tiếp tục giữ vị trí thủ tướng bởi Thái Lan sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11.

Ai đang lãnh đạo Thái Lan

Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, được chỉ định làm thủ tướng tạm quyền của nền kinh tế số hai Đông Nam Á. Ông chỉ mỉm cười, không trả lời câu hỏi từ báo giới khi đến văn phòng thủ tướng hôm 26/8, ngày đầu tiên giữ vai trò quyền thủ tướng.

“Tướng Prawit nói ông sẽ làm việc giống như tướng Prayuth”, một nguồn thạo tin cho biết. “Ông nói mọi người hãy tiếp tục công việc của họ như bình thường và không đưa ra chỉ thị đặc biệt nào”.

Rate this post